Tìm hiểu về cuộc sống, con người, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Nhật Bản cho ta thấy được những nét tương đồng và đặc trưng riêng của hai nước để giao lưu và tìm hiểu văn hóa với nhau.
" Cách ăn mì của người Nhật Để thưởng thức mì ramen, phải thích cái không khí và sự chung đụng của các quán nhỏ; phải thích tiếng húp, nuốt ồn ào của các người ăn. Đối với đa số người Nhật, ăn mì như thế thì mới ngon ". Đấy là những điều tôi nghe về các bài viết về cách ăn mì ramen ra sao, bản thân tôi sau khi đi ăn cũng gần chục tiệm mì ramen mới ngỡ ra là quả thật đúng như trên. Và tôi thích nhất cái không khí ăn mì một cách cổ điển, không cần sang trọng gì cả mà chỉ cần mình cảm thấy ấm áp khi ăn mà thôi.
Mì ramen thực ra đối với người Nhật không phải là món ăn xa xỉ. Khi đói bụng, một người Nhật – nếu ông ta không muốn tiêu quá nhiều tiền hay khi ông ta cần một món ăn nóng sau một tối nhậu say – không ăn sushi hay các món ăn cầu kỳ, mà ăn một tô mì ramen.
Đối với người Nhật, mì ramen gắn liền với lịch sử của đất nước họ. Nó là món ăn của người nghèo và của các thời buổi khan hiếm. Nó cũng đã nuôi sống nhiều thế hệ sinh viên túng tiền. Ngay cả hiện nay, nếu ta hỏi một bé con là nó muốn ăn gì, thì nó thường trả lời: mì ramen!
Thường là ngồi trên chiếc ghế đẩu thô sơ trước quầy hàng của các quán cóc, người ta mới được ăn những tô mì ngon nhất. Thông thường, người chủ tiệm tự làm các tô mì rồi dọn cho khách. Theo những người sành ăn, cái ngon của tô mì ở cả trong nước lèo hơi lềnh nấu bằng xương heo ngon bổ dưỡng. Còn gì bằng khi vừa chứng kiến tận mắt cách chế biến vừa được hít hà mùi hương bốc lên từ nồi nước lèo nóng hổi.
Để thưởng thức mì ramen, phải thích cái không khí và sự chung đụng của các quán nhỏ; phải thích tiếng húp, nuốt ồn ào của các người ăn, điều mà người châu Âu vốn cho là thô tục: nhưng ở Nhật mọi tầng lớp xã hội đều ăn mì như thế cả. Thỉnh thoảng mới nghe vài câu nói ngắn, vì mọi người đến đó không phải để trò chuyện
Khuôn mặt của người ăn thường biến mất sau tô mì, được nâng lên đến tận miệng để không một giọt nước lèo hay một sợi mì nào bị rơi xuống đất. Nó chỉ hiện ra trở lại sau khi tô mì sạch bóng được trả lại cho chủ quán. Rất hài lòng, người vừa ăn xong mỉm cười khoái trá.
Tất cả những điều vừa miêu tả đúng là không mấy “thanh lịch”, nhưng đối với đa số người Nhật, phải ăn mì như thế thì mới ngon.
Khi đi du lịch Nhật Bản ngoài việc được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp nên thơ của "xứ sở phù tang" và còn được thưởng thức các món ăn vừa ngon vừa mang đậm màu sắc của nền văn hoá Nhật Bản. Trong đó cá tráp biển là một trong số các loài hải sản quý của người Nhật. Thịt cá tráp biển thơm ngon, ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao và chế biến được thành nhiều món ăn.
Sashimi cá tráp biển là món ăn cao cấp mà ở đó, thực khách có thể cảm nhận được tất cả vị ngon của thịt cá. Ngoài sashimi thì món sushi cá tráp biển cũng được đánh giá cao không kém.
Tại thành phố Kanazawa có một món cá tráp biển rất nổi tiếng. Món ăn được chế biến khá công phu, người ta rọc dọc theo mình con cá, nhét vào đó hỗn hợp cám gạo trộn với dược liệu. Kế đến, cho cá vào nồi hấp cách thủy. Món cá tráp biển hấp này có tên gọi Tai no Karamushi, là món ăn quan trọng trong lễ cưới của người dân địa phương.
Cá tráp biển không chỉ là hải sản quý bởi thịt cá thơm ngon, mà từ lâu, người Nhật còn xem loài cá này là biểu tượng cho sự may mắn. Chính vì vậy, cá tráp biển có mặt trong nhiều sự kiện văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của Nhật Bản.
Hình ảnh mọi người đang xếp hàng để chờ mua món cá tráp biển nướng muối là hình ảnh thường thấy tại Nhật Bản vào những ngày đầu Năm Mới. Theo truyền thống, cá tráp biển nướng muối là món ăn không thể thiếu trên bàn thờ của các gia đình vào ngày Tết.
Khi trẻ con được 100 ngày tuổi, cha mẹ của chúng tổ chức một buổi lễ gọi là Okui-zome. Cá tráp biển nướng là một trong những món ăn được bày biện trên bàn lễ. Theo phong tục được lưu truyền từ thời Heian, trong lễ Okui-zome, đứa trẻ được người lớn cho ăn cá tráp một cách tượng trưng với ước nguyện đứa bé mau ăn chóng lớn.
Thị trấn Minamichita thuộc tỉnh Aichi là nơi nổi danh có nguồn cá tráp biển ngon và dồi dào. Cá tráp biển xuất xứ từ thị trấn này có giá trị thương phẩm rất cao. Vào tháng 7 hàng năm, người dân thị trấn tổ chức lễ hội cá tráp biển Tai Matsuri. Lễ hội không thể vắng bóng chiếc kiệu khổng lồ hình cá tráp biển đỏ. Kiệu dài 10 mét, có dàn nhạc ngồi bên trong kiệu, các nhạc công thổi sáo, đánh trống và gõ phách tạo không khí sinh động cho lễ hội. Kiệu nặng khoảng 1 tấn và có đến hàng chục người tham gia khiêng kiệu. Đích đến của cuộc diễu hành là biển, người ta đưa cả mô hình cá tráp khổng lồ xuống biển. Đây là một nghi lễ quan trọng nhằm cầu mong Thần Biển phù hộ cho ngư dân thị trấn Minamichita đánh bắt được nhiều cá tráp và danh tiếng của thị trấn được giữ vững.
Quá trình dâng lễ vật được tổ chức rất long trọng. Buổi lễ diễn ra vào ngày đẹp trời. Thuyền dùng để vận chuyển lễ vật được cắm cờ, trong đó không thể thiếu cờ cá tráp biển. Những người tham gia chuyến đi mặc lễ phục màu trắng, họ dự một nghi lễ Thần đạo trước khi thuyền rời bến.
Dâng lễ vật lên đền Ise là sự kiện quan trọng của cư dân đảo Shinojima nên tất cả mọi người trên đảo đều có mặt trong buổi lễ. Vượt qua đoạn đường biển dài mang lễ vật đến đền Ise, người dân đảo Shinojima mang theo ước nguyện về một cuộc sống an lành và thịnh vượng luôn hiện diện trên hòn đảo nhỏ bé này.
Hầu hết du khách lần đầu đặt chân đến Miyajima, một đảo nhỏ thuộc tỉnh Hiroshima, Nhật Bản, đều tỏ ra ngạc nhiên và thích thú khi được những “công dân” hươu vô cùng dạn dĩ và thân thiện tiếp đón.
Du khách có thể nhìn thấy chúng thong thả tản bộ ở khắp hang cùng ngõ ngách trên đảo. Ước tính có khoảng 1.000 con hươu đang sinh sống trên đảo này. Phần lớn sống trong rừng trong khi một số nhóm rất thân thiện với người địa phương và du khách.
Những con hươu hoang dã chính là biểu tượng của Miyajima. Hươu trên đảo Miyajima được gọi là Nihonjika theo tiếng địa phương.
Tương truyền, loài động vật ăn cỏ này được xem là sứ giả của những vị thần đạo Shinto nên được người địa phương đối xử rất tốt và không sợ con người.
Từ trung tâm Hiroshima, bạn có thể đón xe buýt hoặc taxi đến bến phà Miyajima, mất khoảng 30 phút. Sau đó, bạn mua vé phà đi đảo Miyajima, khoảng 10 phút di chuyển (vé khứ hồi dành cho người lớn là 360 yên – 70.000 đồng, vé một chiều 180 yên). Nếu ở Tokyo, bạn có thể đón tàu cao tốc Shinkansen đến Hiroshima (khoảng 4 tiếng).
Ngoài ra, đảo Miyajima còn nổi tiếng với đền Itsukushima với cánh cổng Torii khổng lồ, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1996.
Cổng nổi Torii nhìn từ bên trong đền Itsukushima. Cổng Torii cao 16m, được làm bằng gỗ, được sơn màu đỏ cam, màu truyền thống của những cổng đền ở Nhật Bản.